Sự nghiệp chính trị Lý_Dục

Xưng thần với Bắc Tống

Nam Đường từ thời cha Lý Dục là Nguyên Tông đã bị nhà Hậu Chu đánh bại nhiều lần, phải xưng thần với triều đình trung nguyên ở Biện Kinh và dùng niên hiệu của triều đình đó. Từ năm 960, nhà Tống lên thay nhà Hậu Chu, Nam Đường tiếp tục xưng thần, dùng niên hiệu nhà Tống, dù lãnh thổ khi đó vẫn là nước lớn nhất miền nam, khống chế toàn bộ trung du và hạ du sông Trường Giang với đất đai màu mỡ, sản vật phong phú.[6]

Hậu Chủ hết sức cung kính với nhà Bắc Tống. Khi vừa thay cha, ông sai Phùng Diên Lỗ mang nhiều sản vật và biểu chương do đích thân ông chấp bút trình báo việc lên ngôi, với lời lẽ cung kính khiêm nhường. Để vua Tống thực sự yên tâm, Hậu Chủ chuẩn bị sẵn 2 bộ lễ phục: một bộ màu vàng để thiết triều và một bộ màu tía để tiếp sứ Tống. Khi sứ giả nhà Tống đến cầm chiếu phong của Tống Thái Tổ đến Nam Đường, Hậu Chủ mặc bộ áo màu tía ra tiếp theo đúng thân phận phiên vương.[7]

Ngoài ra ông còn không dùng đến cung điện rất tráng lệ của ông và cha để lại nhằm tỏ ý không muốn hưởng thụ như một hoàng đế, tự giáng tước của những người trong hoàng tộc từ "vương" xuống "công" và "hầu".[5]

Tổ chức phòng thủ

Do sự khiêm nhường của Hậu Chủ, nhà Tống tạm thời không đánh Nam Đường. Nhưng Lý Dục biết trước sau quân Tống cũng kéo đến,[8] nên phong em là Lý Tòng Thiện làm Tư đồ kiêm thị trung, Phó nguyên soái các đạo binh mã, tổ chức huấn luyện quân đội.

Đồng thời ông đặt ra Long tường quân phụ trách thủy quân. Để chuẩn bị đường rút lui, ông sai người em khác là Lý Tòng Ích làm Tư không kiêm Lưu thủ Nam Đô, giao cho Tòng Ích việc xây dựng Nam Xương để nếu không giữ được Kim Lăng thì lui về giữ Giang Tây.

Hưởng lạc

Tạm yên tâm với tình hình biên giới nhà Tống, Lý Dục sa vào hưởng lạc. Ông rất giỏi cầm kỳ thi họa, thích làm thơ ca, và có tài sáng tác lời hát,[9] rất tâm đầu ý hợp với hoàng hậu Chu Hiến, tức là Đại Chu hậu.

Vì ông ít quan tâm tới chính sự, Giám sát ngự sử Trương Hiến can ngăn, nhưng Lý Dục bỏ qua không nghe theo. Nhưng chỉ tới năm 964, Chu hoàng hậu qua đời khi mới 29 tuổi. Lý Dục rất thương xót, tự tay viết "Chiêu Huệ Hậu lỗi" (Văn tế hoàng hậu Chiêu Huệ) dài vài ngàn chữ để truy điệu. Sau đó ông còn làm nhiều thơ tỏ ý thương tiếc người vợ quá cố.

Ít lâu sau, Lý Dục sủng ái em gái Chu Hiến và đến năm 968 lập bà làm hoàng hậu, tức là Tiểu Chu hậu. Cả hai chị em Chu hậu đều nổi tiếng đương thời về tài năng ca múa, thơ văn và đức độ.[10]

Ngoài hưởng lạc, Lý Dục còn sùng tín đạo Phật và cho xây cất nhiều chùa làm số lượng sư trong nước tăng lên, giảm sức sản xuất ở đồng ruộng; chính sự bị sao nhãng.[11]

Khuyên Lưu Sưởng

Tống Thái Tổ muốn đánh Nam Hán trước, nhưng ngại vùng Lĩnh Nam xa xôi hiểm trở, chưa muốn dùng binh, muốn thông qua vua nước Hậu Chủ Lý Dục tác động tới Nam Hán Hậu Chủ Lưu Sưởng. Lý Dục sợ oai nhà Tống, nhận được thư của vua Tống bèn sai Phan Hựu viết thư cho Nam Hán Hậu Chủ như sau:[12]

"Tôi với túc hạ là láng giềng. Tiếp tục minh ước của cha ông ta, tình chúng ta như anh em. Vinh nhục có nhau, sướng khổ cùng chịu. Vừa qua tôi nhập cống Tống, vua Tống bảo tôi nói với túc hạ không được động can qua nữa. Nếu từ bỏ ý đồ thì sứ giả đi xe hoa, mà hàng trăm vạn quân không phải điều động nữa. Nếu không, sẽ xảy ra bất trắc. Tôi thấy vua Tống không phải tham đất, mà là oán giận túc hạ không giữ cái lễ của kẻ bề tôi".

Lưu Sưởng đọc thư, cho rằng Tống Thái Tổ nói suông 100 vạn quân để dụ hàng, nên viết thư trả lời Lý Dục tỏ ý không đầu hàng Tống. Lý Dục báo lại cho nhà Tống. Tống Thái Tổ lại viết thư cho vua ông, sai lựa lời nói với Nam Hán lần nữa. Lý Dục lại viết thư cho Lưu Sưởng:[13]

"Hoàng đế nhà Tống lại bảo tôi chuyển lời cho túc hạ, hôm nay nạp lễ vẫn chưa muộn. Nếu không hiểu ra, mùa thu này binh lính dưới thành, hậu quả không thể lường được. Tống đã cho phép thông hiếu, vậy thượng sách là hòa không đánh, hà tất phải tranh hùng. Khuyên túc hạ nghĩ lại mà cẩn thận"

Lưu Sưởng không nghe, bèn viết thư trả lời Lý Dục với lời lẽ kiêu ngạo và bắt giam luôn sứ giả Nam Đường. Thấy Lưu Sưởng kiêu ngạo, Lý Dục một mặt sai sứ báo cho Tống Thái Tông, mặt khác vẫn tự mình viết thư phân tích lợi hại một lần nữa nhưng không kết quả. Vua Tống thấy sứ Nam Đường lại tới, biết rằng Lưu Sưởng không khuất phục, bèn quyết định khởi đại binh đánh Nam Hán.

Thất thế trước Bắc Tống

Quân Tống đánh Nam Hán từ năm 970 sang năm 971 thì diệt Nam Hán. Lý Dục lo lắng khi Nam Hán đã mất, phía nam chỉ còn lại Nam ĐườngNgô Việt nhỏ bé, trước sau cũng bị Bắc Tống đánh. Vì vậy năm 971 ông sai em là Lý Tòng Thiện đi sứ sang Biện Kinh, nhưng Triệu Khuông Dẫn lập tức bắt giữ Tòng Thiện làm con tin, không cho về nước.

Lý Dục bèn dâng biểu lên Tống Thái Tổ xin cho em về nhưng vua Tống không chấp nhận. Vì vậy ông rất buồn, ra lệnh bãi bỏ yến hội trong nước.

Trước việc Bắc Tống ngày càng chèn ép Nam Đường, Lý Dục không có biện pháp nào cứu vãn tình thế. Một số lái buôn thấy thuyền nhà Tống đậu ở Kinh Nam, kiến nghị Lý Dục sai người đốt cháy, nhưng ông không làm theo.[14]

Hại trung thần

Năm 973, Nội sử xá nhân Phàn Hựu dâng thư kiến nghị Lý Dục dùng các biện pháp chấn hưng đất nước để thoát khỏi tình trạng sắp mất về tay Bắc Tống. Lý Dục tuy khen thưởng cho lòng trung của Phàn Hựu nhưng bỏ qua các kiến nghị đó. Phàn Hựu bất mãn bỏ về quê, để lại bức thư dài hơn 1 vạn chữ để can ngăn. Lý Dục cho rằng Phàn Hựu làm theo lời xui giục của Thị lang bộ Hộ là Lý Bình, bèn bắt Lý Bình hạ ngục rồi sai người đi bắt Phàn Hựu. Kết quả Lý Bình và Phàn Hựu đều bị giết trong ngục.

Ngoài ra, tướng Lâm Nhân Khánh, một người nổi tiếng về sự trung thành và tính cương trực, cũng bị nghi ngờ bất trung và bị đầu độc chết.

Mất nước

Năm 974, Triệu Khuông Dận sai sứ đến Kim Lăng yêu cầu Lý Dục đến chầu vua Tống. Lý Dục biết rằng nếu đến sẽ bị giữ lại nên ông mượn cớ đang có bệnh để thoái thác. Ít lâu sau vua Tống lại sai sứ đến lần thứ 2 giục ông vào Biện Kinh, nhưng ông vẫn cáo bệnh không đi.

Biết nhà Tống sẽ khởi binh đến đánh, Lý Dục cự tuyệt đầu hàng và quyết định phản kháng. Ông ra lệnh giới nghiêm Kim Lăng và vùng ven sông, tuyên bố bãi bỏ niên hiệu Khai Bảo nhà Tống, tự xưng niên hiệu Can Chi nguyên niên để tỏ ý đoạn tuyệt với nhà Tống. Tuy nhiên, ngoài những biện pháp chính trị, ông không thực hiện một chủ trương thiết thực nào, vẫn tin dùng những người chỉ mưu lợi riêng.[15] Do đó thực lực Nam Đường đã suy yếu trong nhiều năm không thể vực dậy được.

Tháng 9 năm 974, Triệu Khuông Dận viện cớ Lý Dục không chịu đến Biện Kinh, bèn cử các tướng Tào Hàn, Phan Mỹ, Tào Bân dẫn đại quân thủy lục cùng tiến đánh Nam Đường.

Quân Tống rất mạnh, quân Đường liên tiếp thất bại, nhưng bản thân Lý Dục vẫn không lo lắng về tình hình mặt trận mà chỉ vui thú trong cung. Tới tháng 6 năm 975, quân Tống vượt sông Trường Giang áp sát Kim Lăng. Lúc đó Lý Dục vẫn đang ở trong cung cấm cùng các phi tần, không biết tới chiến sự bên ngoài.[15]

Đêm Ất Mùi 27 tháng 11 năm đó (tức 1 tháng 1 năm 976), quân Tống phá vỡ thành Kim Lăng, Lý Hậu Chủ đang ngồi nghe giảng kinh Phật ở chùa Tịnh Cư, vội vàng cởi áo dẫn 40 viên quan văn võ ra hàng.[16] Hôm sau, ông cùng 300 người trong hoàng tộc và quan lại bị giải lên thuyền đi Biện Kinh.

Bị giết

Tháng 1 năm 976, Lý Dục đến Biện Kinh. Triệu Khuông Dận ra tiếp nhận tù binh, nói với bá quan nhà Tống rằng Lý Dục chỉ đáng là Hàn lâm học sĩ,[17] rồi phong ông làm Vị Mệnh hầu (hay An Mệnh hầu).

Sống trong cảnh bị tù, ông luôn bị giám sát chặt chẽ. Cùng trong năm đó Tống Thái Tổ qua đời, em là Tống Thái Tông lên nối ngôi. Từ thời Thái Tông, việc cung ứng đồ dùng cho Lý Dục ngày càng kém. Lý Dục làm thơ gửi cung nhân cũ ở Kim Lăng, ông mô tả cảnh ngộ "sớm tối lấy nước mắt rửa mặt".[2]

Trong những bài từ theo điệu "Tương kiến hoan" hay "Ngu mỹ nhân", ông thể hiện nỗi u buồn phẫn uất vì cuộc sống tù đày. Ngoài thương nhớ cố hương, Lý Dục còn nhớ tới những người quen cũ ở Kim Lăng và các trung thần trước đây.

Năm 978, Tống Thái Tông sai cựu thần Nam Đường là Từ Hoằng đến thăm ông để thăm dò xem có ý tứ gì khác. Thấy Lý Dục đầu đội khăn vải, mình mặc áo đạo bào, Từ Hoằng toan quỳ lạy nhưng Lý Dục ngăn lại, hai người nhìn nhau rất đau xót.[18] Trong khi nói chuyện, Lý Dục tỏ ý hối tiếc vì đã giết hại Phàn Hựu và Lý Bình.

Từ Hoằng vội cáo từ trở về. Khi Tống Thái Tông hỏi chuyện Lý Dục, Từ Hoằng thuật lại không dám giấu. Cùng lúc đó, lại có người mang những câu thơ tưởng nhớ cung điện, đất nước Nam Đường của Lý Dục tâu lên, Tống Thái Tông càng lo ngại về ông và nảy ý định giết ông.

Ngày 7 tháng 7 âm lịch năm 978, vua Tống sai người mang thuốc độc đến cho Lý Dục, là loại thuốc "khiên cơ dược" đã được thí nghiệm nhiều lần, ai uống vào sẽ bị co giật, co quắp tứ chi, đầu gập vào chân không thể cưỡng lại cho đến khi chết hẳn. Lý Dục không dám trái lệnh, uống thuốc xong và chết đau đớn.[19] Khi đó ông 42 tuổi, làm vua Nam Đường 15 năm và bị giam ở Biện Kinh 3 năm.